Câu chuyện Starbucks ở Việt Nam

“Từ những chi tiết nhỏ để mang lại thành công lớn”, đó là sự sẻ chia của Bà Patricia Marques, Giám đốc Starbucks Việt Nam khi nói về những bước thành công khởi đầu của cà phê Starbucks tại thị trường Việt Nam.

Trước khi đầu quân về Starbucks, Bà Patricia Marques (người Peru, sinh sống và làm việc tại Mỹ) từng đảm nhận vai trò quản lý chiến lược kinh doanh cho các tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới như Saks Fifth Avenue, Panera Bread.

Tiếp quản công việc lèo lái Starbucks tại một thị trường đầy mới mẻ và thử thách như ở Việt Nam, Bà Patricia Marques bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Bà đã dành nhiều công sức nghiên cứu tâm lý và phong cách uống cà phê của người Việt theo đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, để từ đó tạo ra những sản phẩm đồ uống cà phê phù hợp với người Việt.

Không dễ dàng để có thể giữ được tiêu chí chung của thương hiệu cà phê Starbucks, nhất là tiêu chí “cà phê mang đi”, tại một đất nước có truyền thống về cà phê như Việt Nam. Trong khi đó, người Việt Nam có thói quen uống cà phê trong không gian yên tĩnh để cùng trò chuyện và giao lưu. Bắt đầu từ chi tiết nhỏ này, Bà Patricia Marques cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực để mỗi cửa hàng của Starbucks đều được thiết kế độc đáo mang theo nét văn hóa Việt và phù hợp thị hiếu người Việt.
Một trong số 8 quán cà phê Starbucks tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh
Starbucks là một thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu và hiện là công ty cà phê lớn nhất thế giới với khối tài sản trên thị trường chứng khoán lên tới 51,6 tỷ USD với hơn 20.000 cửa hàng bán lẻ tại 65 quốc gia trên toàn cầu.Sự khởi đầu của Starbucks ở Việt Nam là các cửa hàng cà phê tại Tp. Hồ Chí Minh, một thành phố năng động, khí hậu nắng ấm quanh năm và người dân cũng yêu thích cà phê.

Tại đây Starbucks chinh phục khách hàng bằng sự quyến rũ từ hương vị cà phê, đến không gian thưởng thức. Uống một lần rồi đam mê, người dân Sài Gòn dần dần nhận ra sự mới lạ của thứ đồ uống đẳng cấp thế giới này, thế là họ đam mê và dám thay đổi thói quen của mình để tìm đến với Starbucks. Vì thế, từ một cửa hàng đầu tiên, giờ Starbucks đã có 8 cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Patricia Marques chia sẻ, khi đặt chân đến Tp. Hồ Chí Minh, Bà không nghĩ nơi này lại có nhiều sự đổi thay đến thế, bởi trước kia Sài Gòn đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Vậy mà 40 năm sau ngày giải phóng, Sài Gòn giờ năng động hơn, hiện đại hơn trước rất nhiều. “Tôi thích nhịp sống công nghiệp và con người nơi đây và tôi tin Starbucks cũng sẽ được đón nhận và hòa mình vào dòng chảy cuộc sống của người dân thành phố”- Bà Patricia Marques nói.

Starbucks không chỉ dừng lại ở Tp. Hồ chí Minh mà tiếp tục hành trình chinh phục thị trường Thủ đô Hà Nội. Đây là thị trường khó tính và không dễ dàng. Bà Patricia Marques cho biết, người dân Hà Nội quen cách uống cà phê truyền thống và khó thuyết phục hơn để thay đổi. Vì vậy, nhiệm vụ của Starbucks là phải quy tụ được khách hàng Thủ đô trong không gian cà phê thân thiện và cởi mở. Đó là tiêu chí mà Starbucks hướng đến tại thị trường Hà Nội.

Từ chi tiết nhỏ là thấu hiểu văn hóa cà phê của người Hà Nội. Starbucks đã sáng tạo nên những cửa hàng cà phê với không gian ấm cúng. Các cửa hàng đều được thiết kế theo phong cách hoài cổ của người Hà Nội. Mỗi cửa hàng của Starbucks đều được thiết kế có những nét riêng và thể hiện sự năng động, hiện đại của thành phố Hà Nội trên nền tảng trân trọng di sản cà phê lâu đời của Việt Nam. Nội thất và đồ trang trí trong các cửa hàng do các nghệ sỹ trong nước thực hiện cũng như được mua từ các nhà cung cấp ở địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội.

Cà phê Starbucks được chế biến theo công thức đồng nhất với mong muốn sẽ phù hợp với sở thích của người Việt Nam. Ví dụ với ly espresso độc đáo với hương vị cà phê đậm, sánh đặc, mịn màng có vị ngậy từ kem, Starbucks hi vọng sẽ làm hài lòng nhiều khách hàng Việt Nam.

Mặc dù Starbucks gặp phải sự cạnh tranh của nhiều dòng cà phê tại Việt Nam nhưng theo Bà Patricia Marques mỗi loại cà phê có một phong cách riêng. Bà Patricia Marques khẳng định rằng, với số dân lên tới hơn 90 triệu người, Việt Nam là thị trường và cơ hội cho nhiều thương hiệu cà phê cùng phát triển. Việt Nam có 50% dân số là người trẻ và đó cũng chính là thị trường mà Starbucks hướng đến.

5 năm sống tại Việt Nam, Bà Patricia Marques trân trọng và coi Việt Nam như quê hương của mình. Bà đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu Starbucks Việt Nam với những dấu ấn và văn hóa Việt Nam từ những chi tiết nhỏ để mang lại thành công lớn./.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Lê Minh